22 thg 9, 2014

Khám phá đất nước Brunei

Brunei là một nước Đông nam Á khá gần với Việt Nam nhưng tôi chẳng mấy khi nghe nói đến đất nước này. Thậm chí cũng không có gì quan tâm mãi tới khi tôi đọc cuốn xách ba lô lên và đi phần 1 của một tác giả trẻ tuổi.

Trong phần đầu có kể về đất nước Brunei. Lúc đó tôi thấy thú vị với đất nước giàu có và một số văn hóa kỳ lạ. Tôi mới ồ lên một tiếng và nghĩ "hóa ra là thế vậy mà lâu nay chẳng biết."
đất nước brunei

Đất nước nghiêm khắc lạ lùng

Tên đầy đủ của Brunei là Negara Brunei Darussalam. Theo tiếng Malay nghĩa là "nơi ở hòa bình". Brunei là đất nước đạo Hồi nên cái sự đau khổ của nhiều du khách khi đến đây cũng do đặc điểm này mà ra. Tháng đẹp nhất để vào Brunei là tháng Ramadan (vào khoảng tháng 9 Dương lịch hàng năm) - tháng mà người theo đạo Hồi thường nhịn ăn từ lúc mặt trời mọc đến lúc mặt trời lặn. Nếu đến đây vào dịp này, điều kiêng kị đầu tiên với du khách là tránh ăn uống tại chốn đông người hoặc trước mặt những người đạo Hồi. Điều cần lưu ý tiếp theo là trang phục và cách giao tiếp.

vua Brunei

Khi tiếp xúc với dân bản địa, tránh bắt tay quá chặt; không được dùng ngón trỏ để chỉ mà phải dùng ngón cái với 4 ngón còn lại được nắm chặt; ăn mặc lịch sự (hạn chế để tay trần hoặc mặc váy ngắn trên gối). Đất nước này rất hạn chế bán rượu và thuốc, tuy nhiên nếu bạn theo đạo Hồi, bạn có thể sử dụng miễn phí một lượng nhỏ bia, rượu trong các nhà hàng, khách sạn nhưng hãy nhớ, quá chén là điều tối kị ở đây. Tại các khu rừng, công viên, luôn có một người đi theo đoàn thăm quan của bạn.

Họ chính là người bảo vệ môi trường. Nếu bạn xả rác, vặt cây, bẻ cành, thì có thể bị phạt tù 2 năm hoặc nộp phạt 10.000 đô-la Brunei (tương đương với 100 triệu VND). Còn nữa, những đôi tình nhân, vợ chồng cùng đi du lịch hãy kiềm chế "bộc lộ cảm xúc" nơi đông người nếu không muốn bị cảnh sát hỏi thăm. Kinh doanh mại dâm ở đất nước này có thể bị tử hình, do vậy, những du khách ham "của lạ" nên canh trừng.

ngừoi dân bandar Brunei

Ra đường, nếu bất ngờ bắt gặp một thiếu nữ bản địa xinh đẹp mà bạn nhìn họ chằm chằm là... phạm luật và có thể bị kiện chứ đừng nói đến chuyện đi theo tán tỉnh cho dù bạn gặp tình yêu sét đánh. Mọi hành xử "khiếm nhã" đối với phụ nữ đều có thể là tội danh trước tòa. Chưa hết, tất cả các dịch vụ giải trí công cộng sẽ phải đóng cửa trước 22h.

Với ngần ấy những điều kiêng kỵ và cấm đoán, chắc hẳn rất nhiều du khách thốt lên tự hỏi, đi du lịch xả stress mà sao phải khổ thế? Tuy nhiên theo lời của các chuyên gia, tuy gò ép, bó buộc, song Brunei lại là quốc gia có bản sắc văn hóa rất độc đáo, bạn sẽ khám phá được nhiều điều lạ lùng và thú vị khi đến đây.

khách sạn ở Brunei

Nhờ vào nguồn thu lớn từ dầu lửa, người dân Brunei hầu như không phải đóng một khoản thuế nào. Cả đất nước xinh đẹp này chỉ có khoảng 50 chiếc taxi (tính tiền theo điểm đến chứ không theo km như Việt Nam), Dân Brunei cũng được miễn visa nhập cảnh vào Hoa Kì, đây là một ưu đãi tuyệt vời bởi chuyện nhập cảnh vào Hoa Kỳ chưa từng dễ dàng với bất kỳ công dân nước nào chứ đừng nói tới các công dân các nước Hồi Giáo.
Trong ngôi nhà của những người Brunei đều có phòng cưới. Vì luật Hồi giáo cho phép đàn ông lấy tới 4 vợ, miễn là họ có khả năng chu tất cho các bà vợ, thế nên họ thường làm sẵn một phòng cưới trong nhà... cho tiện khi có việc cần. (Tục lệ này thật thú vị :)) )

Sự độc đáo trong nếp sinh hoạt, kiến trúc đô thị, cơ sở hạ tầng... của đất nước nhỏ nhắn nhưng giàu có và xinh đẹp này không thể bỏ qua với những lữ khách ưa khám phá.

Xứ sở xa hoa

Với hơn 100 thánh đường lớn nhỏ, Brunei được mệnh danh là xứ sở của các thánh đường Hồi giáo. Nét kiến trúc đặc trưng của các thánh đường là có mái hình chóp với hai màu trắng - vàng. Du khách sẽ kinh ngạc vì sự lộng lẫy của những thánh đường có trải thảm Ả Rập, tường bằng gạch châu Âu, vàng dát khắp chốn và những chùm đèn pha lê nặng tới vài ba tấn. Đó là nhà thờ Hồi giáo Jame Asr - nhà thờ vĩ đại nhất Brunei - có đỉnh mái vòm dát vàng, được xem là nơi linh thiêng nhất thành phố, có cả ngàn người đến đây cầu nguyện hàng ngày và hàng đêm; thánh đường Hassanil Bolkiah, hoàn thành vào năm 1994, kinh phí lên tới 200 triệu USD.

Cung điện của nhà vua Brunei - Sultan Palace - là một trong những cung diện lớn nhất thế giới với 1.778 phòng. Khách sạn nổi tiếng nhất Brunei cần phải kể đến là khách sạn The Empire Hotel & Country Club với đẳng cấp 6 sao, rộng 180ha mà chỉ có 443 phòng (tính trung bình, mỗi phòng rộng tới 4000m2), Nhiều nhân vật nổi tiếng thế giới đến đây như Chủ Tịch nước CHND Trung Hoa Hồ Cẩm Đào, cựu tổng thống Mỹ Bill Clinton) và nghỉ với giá 24.000 đô-la Brunei/ ngày (tương đương với hơn 200 triệu VND).

cung điện

Diện tích của Brunei là khoảng 6.000km2 nhưng dân số chỉ khoảng 400.000 người và những khu rừng nhiệt đới chiếm 75% diện tích cả quốc gia. Vì thế, cảnh sắc của đất nước này rất nên thơ và xinh đẹp. Hầu hết các tour du lịch tới Brunei đều có lịch trình "đi rừng". Tham quan công viên quốc gia Ulu Temburong có lẽ là hành trình thú vị nhất đối với du khách. Chuyến thám hiểm thú vị trên những con thuyền dài (temuai - tiếng địa phương) đi xuyên qua rừng đước này mất hơn nửa giờ. Vạt đước và những chú khỉ tinh nghịch trên lộ trình sẽ tạo dấu ấn đặc biệt với du khách Việt Nam bởi nó gợi lên hình ảnh về những chuyến đi thăm rừng Cát Tiên và Cần Giờ.
thuyền temuai brunei


Sau khi chiêm ngưỡng rừng nguyên sinh hùng vĩ này, du khách sẽ phải vượt qua hơn 1.000 bậc thang để lên đỉnh cao nhất của Brunei và chiêm ngưỡng toàn cảnh phía dưới. Cảnh quang độc đáo nhất ở Brunei có lẽ là khu làng nổi với hơn 30.000 cư dân sinh sống trong các biệt thự nổi đầy đủ tiện nghi cao cấp. Trường học, thánh đường, bệnh viện, cơ quan hành chính đều là những nhà nổi bề thế. Trước mỗi căn nhà đều có cầu tầu để thuyền cập bờ.
Ulu Temburong

Cuộc sống thiên đường

Ở Brunei, mặc dù thu nhập bình quân đầu người cao, song các dịch vụ công cộng dành cho người dân lại có giá vô cùng rẻ.
Thủ đô Bandar Seri Begawan nằm ở quận Brunei Muara, 1 trong 4 quận lớn ở Brunei, với những con đường đan chéo nhau. Tuy nhiên, ở đây không hề có chuyện vi phạm luật giao thông hay xe cộ chen chúc nhau để lấn đường.

“Luật giao thông ở Brunei rất nghiêm. Người dân cũng ý thức được mình phải đi đúng luật nên rất hiếm khi xảy ra tai nạn”, anh Ngô Sỹ Thanh, một cán bộ Đại sứ quán Việt Nam ở Brunei, giải thích. Tuy nhiên, đối với người nước ngoài lần đầu tới đất nước này, việc gọi được 1 chiếc taxi để khám phá Bandar Seri Begawan là rất khó.

“Chúng tôi có rất ít taxi, các chị phải chịu khó chờ thôi”, cô lễ tân ở khách sạn Kilup Plaza, nơi chúng tôi ở, nói. “Các chị nhớ phải mặc cả với tài xế nhé”. Dù được dặn dò kỹ lưỡng, nhưng chúng tôi vẫn bất ngờ. Vì 15 phút, 20 phút đã trôi qua, vẫn chưa thấy chiếc taxi nào. Hỏi một chị làm trong Tiểu ban tuyên truyền thông tin ASEAN ở Brunei, thì chị cho biết cả Brunei chỉ có khoảng 50 chiếc taxi.

Trước sự ngạc nhiên của chúng tôi, chị giải thích mỗi gia đình ở Brunei có 2 đến 3 chiếc ôtô. Nhà nào ít nhất cũng có 1 chiếc. Vì thế hầu như taxi chỉ để phục vụ du khách.

Với dân số vẻn vẹn chừng hơn 401.000 người (tính đến tháng 7/2011), có lẽ Brunei là một trong những quốc gia ít dân cư nhất thế giới, nhưng lại là một trong những quốc gia giàu có nhất thế giới. Hiện Brunei là chủ nợ lớn của nhiều cường quốc, trong đó có Anh, nợ Bandar Seri Begawan lên tới 160 tỉ USD.

Và nhờ thế, dù không phải là nước lớn, nhưng tiếng nói và ảnh hưởng của Brunei cũng có trọng lượng trên chính trường quốc tế. Là quốc gia sản xuất dầu khí lớn thứ 3 Đông Nam Á và xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng lớn thứ 9 thế giới, thu nhập bình quân đầu người của Brunei năm 2011 là gần 50.000 USD, cao hàng thứ năm thế giới. Vì thế, người dân Brunei sống rất thoải mái.

Không chỉ có lương và cuộc sống, người dân Brunei còn được Chính phủ quan tâm tới nhiều nhu cầu thiết yếu khác. Hiện nay, Quốc vương Brunei đã cho xây hàng trăm căn nhà trên làng nổi Kampong Yayer để những người chưa có nhà đến thuê với giá “rẻ như cho” 200 đô la Brunei/tháng và 7 năm sau ngôi nhà đó sẽ thuộc sở hữu của họ. Nếu hộ nào than thở khó khăn, nhà Vua có thể cho họ ở miễn phí.

Đem câu chuyện này đến hỏi một nhà ngoại giao Việt Nam ở Brunei, ông cười và xác nhận: “Văn hóa của người dân ở đây rất đặc biệt. Nhà Vua và Hoàng gia rất quan tâm đến cuộc sống của người dân”. Ông cho biết thêm, năm 2012, do tác động của khủng hoảng kinh tế, nên mức viện phí ở Brunei đã tăng gấp đôi là “2 đô la Brunei”.

Chỉ với 2 đô la Brunei (khoảng 40.000 đồng), bất kỳ người dân nào cũng có thể đến khám và chữa bệnh theo yêu cầu, từ hắt hơi sổ mũi cho đến bệnh nan y. Và có lẽ Brunei là quốc gia duy nhất trên thế giới đảm bảo việc làm cho công dân. Chỉ cần mang quốc tịch Brunei, khi mang hồ sơ xin việc đến bất kỳ cơ quan nào, bạn cũng sẽ được nhận vào làm việc.

Thời gian ngắn ngủi ở Brunei chưa đủ để chúng tôi khám phá hết cuộc sống ở quốc gia Hồi giáo này, nhưng nó cũng đủ để thấy người dân Brunei đang sống rất thong thả. Sự yên bình, những mái vòm của nhà thờ Hồi giáo, ánh mặt trời chiếu xuống dòng sông Kamper Yayer và dòng ôtô nối đuôi nhau… Tất cả đã tạo nên sự phồn thịnh và một nét rất riêng cho Brunei.


Sưu tầm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét